Thử bàn về vấn đề giáo dục của Việt Nam
Trong những lúc rãnh rỗi, tôi và mấy người bạn thường ngồi lại với nhau và đưa ra những chủ đề để cùng nhau hàn huyên. Một trong những chủ đề được chúng tôi quan tâm và tốn thời gian nhất là vấn đề giáo dục của Việt Nam hiện nay. Qua những dòng chữ này, tôi cũng muốn được chia sẽ với bạn đọc những suy nghĩ của mình về vấn đề giáo dục hiện nay. Đây chỉ là một vài suy nghĩ và quan điểm của riêng tôi, ước mong sẽ nhận được những đóp góp và phê bình của quý độc giả.
Nhìn lại tiến trình phát triển, theo sử sách thì dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển khoảng hơn 2500 năm. Nhưng theo một nhà nghiên cứu thì: Việt Nam vẫn chưa có một nền giáo dục của riêng mình, thời kỳ bắc thuộc chúng ta chịu sự chi phối của văn hóa Hán nên cũng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này vào trong giáo dục, sang đến thời kỳ Pháp thuộc cũng vậy và cho đến hôm nay chúng ta vẫn mang trong mình một nền giáo dục mà tôi cho đó là nền giáo dục “góp nhặt”.
Ngay từ những ngày đầu của thời kỳ bắc thuộc, việc học đã được chú trọng. Cũng giống như Triều Tiên, Việt Nam có nhu cầu tiếp thu văn hóa Hán không phải tiếp thu do áp lực mà chủ yếu là do nhu cầu đua tài với Trung Quốc để cũng cố độc lập bằng văn hóa. Điều đó được thể hiện rõ thông qua việc Lê Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu vào năm 1070, năm 1076 lập trường Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài. Từ đó, chúng ta có thể thấy được việc đào tạo nhân tài đã được chú trọng và xem đó như là vấn đề hàng đầu.
Trở về với hiện tại, chúng ta thấy vấn đề giáo dục hiện nay của Việt Nam đang có nhiều vấn đề cần phải xem xét. Trong suốt quá trình của việc học từ cấp 1 lên đến bậc đại học, chúng ta sẽ thấy có nhiều vấn đề: Trước tiên là ở Bậc tiểu học, chúng ta đã cải cách giáo dục và công việc đó đã thu được nhiều kết quả nhưng thử hỏi ai trong chúng ta đã chứng kiến cảnh một em học sinh lớp 4 phải mang trên lưng mình một đống sách vở để đến trường? trong khi đó các em còn chịu áp lực từ nhiều phía ở nhà trường và gia đình. Phải chăng chúng ta chỉ đang chú trọng đến “số lượng” mà quên đi “chất lượng”. Ở nhiều trường, trong suốt quá trình học các em vẫn không có lấy một giờ ngoại khóa để “thở” trừ khi đến giờ thể dục. Trong khi đó, chúng ta lại lên cho các em một khung chương trình học nặng nề, chúng ta phải chăng đã quên đi một viễn cảnh đau thương từng xảy ra với các em học sinh ở các nước xung quanh chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc (trong vấn đề học tập các em chịu sức ép từ gia đình và nhà trường nên các học sinh đã mất đi tự chủ, trở nên đờ đẫn). Đối với bậc đại học, chúng ta đã thực sự có một cuộc cải cách khi thực hiện chuyển đổi chương trình học sang tín chỉ nhưng không phải mọi việc bao giờ cũng thuận lợi. Chúng ta đã quên rằng, để thực hiện tốt việc học theo tín chỉ thì điều kiện tiên quyết là phải đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên phải đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Với hai điều kiện trên, chắc hẳn một số trường đại học vẫn chưa thể hội đủ nhưng họ vẫn đào tạo theo tín chỉ, thử hỏi số lượng sinh viên này sau khi đào tạo ra trường về mức độ kiến thức chuyên môn của họ có được đáp ứng với nhu cầu công việc họ đảm nhận hay không?
Trong một cuộc nói chuyện với một Linh mục Dòng, tôi có nghe Cha đó kể lại. Trong chuyến đi mục vụ ở Nha Trang, trên một chuyến tàu Cha đã gặp và nói chuyện với Mấy Thầy của Đại học Huế qua câu chuyện các thầy tâm sự:
chúng con lúc nhỏ cũng được học ở trường dòng, chúng con đã được các Srơ bày vẽ, nếu như hôm nay có các trường dòng như thế thì tốt biết bao. Qua câu chuyện trên, tôi đã tự đặt câu hỏi cho mình. Tại sao nhà nước mình không cho phép các tôn giáo mở trường đào tạo? tại sao trong các tôn giáo có những vị thật uyên thâm mà các trường đại học không mời về thuyết giảng? Phải chăng giữa tôn giáo và chính trị vẫn còn một khoảng cách. Theo tôi được biết, Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận người gốc Phủ Cam – Huế sau khi sang Rome chưa bệnh thì không được phép trở về Việt Nam và Ngài phải ở lại làm việc tại Rome, trong quá trình làm việc tại Rome Ngài đã được các trường đại học danh tiếng của các nước mời về thuyết giảng cho sinh viên của mình, năm 1998 Ngài được mời đến nói chuyện với giới luật gia của Mỹ. Vậy tại sao chúng ta lại không học cách làm đó để thực hiện tại Việt Nam?
Trong những tháng vừa qua, trên báo chí chúng ta đã thấy nhan nhản những thông tin phải nói là đau lòng khi những nữ sinh đang ở lứa tuổi hồn nhiên trong sáng đánh nhau hội đồng, khi nghe tin Thầy hiệu phó một trường trung học phổ thông của Tỉnh Vĩnh Phúc lừa tình học trò của mình và còn bao nhiêu chuyện khác nữa. Phải chăng đó là thành quả của một quá trình giáo dục, rèn người theo kiểu CNXH?
Thử nhìn lại lịch sử chúng ta sẽ thấy rõ điều trái ngược. Trước hết, vấn đề học tập của các triều đại phong kiến là luôn luôn tự do, việc học phải được đào tạo từ nhỏ và tự bản thân người học đã ý thức được họ học để làm gì. Học trước là để thành người nhưng sâu xa hơn họ thấy được chỉ có việc học mới mang lại cho mình một chỗ đứng trong xa hội bởi vì “ nhất sĩ nhì nông” và như thế họ đã trở thành “người quân tử”, mà người quân tử thì không làm việc thẹn với lòng bởi chính họ hiểu rằng họ là những người có học.
Hôm nay, khi xã hội đang ngày càng phát triển thì các trường đại học- cao đẳng cũng đua nhau mọc lên, nhưng không biết ai trong chúng ta sẽ đảm bảo chắc chắn rằng những thế hệ học trò đó sau khi được đào tạo, họ có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội hay không? Thiết nghĩ, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi khung chương trình giáo dục và dám có những bước đột phá mới trong việc giảng dạy cũng như có những chế độ đãi ngộ thích hợp để thu hút nhân tài về phục vụ trong ngành giáo dục. Có như thế chúng ta mới có được những thế hệ học trò xứng đáng là chủ nhân của đất nước.
Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ của riêng tôi, ước mong sao bạn đọc sẽ đón nhận và đóng góp cho bài viết của tôi thêm hoàn chỉnh.
Nguyễn Ái