HÀ TĨNH - Sáng ngày 22/10/2010, một số sinh viên Công giáo giáo phận Vinh và linh mục đặc trách sinh viên Công giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đến thăm và tặng quà cho bà con bị lũ lụt trên địa bàn giáo xứ Vạn Căn, xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Lẽ ra, sinh viên Công giáo Giáo phận Vinh đã đi thăm đồng bào lũ lụt sớm hơn. Bởi sau khi được biết tin tức bão lụt xảy ra với đồng bào ở hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh vào ngày 4 và 5 tháng 10, thì ngay ngày 10/10/2010, trong buổi lễ khai giảng năm học mới, tại giáo xứ Cầu Rầm, với sự gợi ý của linh mục đặc trách sinh viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An - Antôn Hoàng Trung Hoa, Ban điều hành sinh viên đã tổ chức quyên góp trong nội bộ của mình, và được hơn 4 triệu đồng. Số tiền đó thật ít ỏi trước nhu cầu của người dân bị lũ lụt, nhưng như Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp nói: "Đó là những đồng tiền của bà góa", bởi đơn giản, hầu hết sinh viên sống nhờ sự giúp đỡ của gia đình, và lúc này họ đã bớt chút tiền ăn sáng của họ. Và có lẽ cũng do số tiền quá ít đó, nên, với tính chất của người trẻ luôn có những sáng tạo, họ đã tổ chức đi thu gom và xin những ve chai, đồ phế liệu, chủ yếu ở hai giáo xứ Yên Đại và Cầu Rầm, rồi bán để có thêm những món quà cho những người đau khổ do thiên tai gây nên.
Công việc như được sẵn sàng cho chuyến đi sau đó vài ngày, thì đợt lũ lụt lịch sử lần thứ hai lại xảy ra, lần này cả trên một số huyện, xã ở Nghệ An, nước dâng cao và cắt đứt mọi tuyến giao thông trong mấy ngày qua như chúng ta đã biết, nên anh em sinh viên lại phải đình hoãn chuyến viếng thăm. Hôm nay, được biết các tuyến đường bộ có thể lưu thông, lại được sự giúp đỡ phương tiên đi lại của lương y Nguyễn Văn Hiền và anh Nguyễn Xuân Thắng, giáo dân giáo xứ Làng Nam, nhất là sự giúp đỡ của Cha Trưởng Ban Giới trẻ Giáo phận Vinh F.X. Hoàng Sỹ Hướng và một số ân nhân, anh em đã vội vã lên đường thực hiện sự mong ước hiện diện và chia sẻ của mình.
Trước lúc lên đường, anh em dự định đi thăm hai giáo xứ Vạn Căn và Thổ Hoàng. Nhưng do đường sá quá khó khăn, đặc biệt là các ngã từ đường mòn Trường Sơn vào hai giáo xứ đều phải đi bằng thuyền nên hành trình không diễn ra như dự định ban đầu. Vượt qua hai chặng thuyền, nên thời gian đi lại càng mất nhiều hơn. Đặc biệt, khi đi thuyền từ chặng ga tàu lửa Thanh Luyện đến giáo xứ Vạn Căn, anh em đã đi bằng thuyền hơn 1 km, mà lại là những chiếc thuyền nhỏ, nên có lúc tưởng chừng anh em bị chìm trên cánh đồng giáp sông Ngàn Sâu.
Vừa đi thuyền, vừa đi bộ nên mãi 1 giờ chiều anh em mới tới nhà thờ giáo họ Gia Phương, (nơi đây linh mục quản xứ Vạn Căn, cha F.X. Phạm Văn Hứa, đang lánh trú vì toàn bộ nhà xứ Vạn Căn bị ngâm trong nước mấy ngày qua). Sau bữa cơm trưa, anh em được cha đưa về giáo họ trị sở giáo xứ để thăm bà con nơi đây. Lại một chặng đường khoảng 1 km nữa anh em phải đi bằng thuyền. Cảnh hoang tàn đổ nát, sặc mùi hôi thối do thú vật và cây cối bị chết bốc mùi, nhà cửa xơ xác, thiếu ăn, thiếu mặc khiến nhiều khuôn mặt càng thêm thiểu não. Khổ nhất là cảnh một số bà con phải chèo thuyền đi xin từng bình nước sạch về để dùng. Bị nhấn chìm giữa một biển nước mà lại như chết khát!
Thời gian không cho phép, anh em được Hội đồng Mục vụ giáo xứ dẫn đi thăm một số gia đình. Đến nơi nào nhà cửa cũng trống trơn, vì vật dụng, đồ đặc đã bị nước cuốn trôi hết cả. Có những gia đình ở trong nhà mà không ở trên nền, bởi nhà bị nước xịch dời khỏi nền cả chụt mét. Có những cảnh thương tâm cười ra nước mắt, là có một người đàn ông, khi nước lũ dâng cao, cởi áo chạy lụt cho gia đình, để rồi áo mình bị trôi hết. Khi chúng tôi đến thăm, không còn chiếc áo nào, nên anh vội lấy cái "áo bầu" của vợ ra mặc!...
Điều mà anh em sinh viên làm được cho giáo xứ Vạn Căn có lẽ không phải là những thùng mì, bao gạo, những tấm áo manh quần, những chai dầu, bao bột ngọt..., bởi trước đó đã có những phái đoàn gửi đồ đến cứu trợ, nhưng là sự hiện diện của anh em. Theo như Hội đồng Mục vụ cho biết, thì anh em sinh viên là những người đầu tiên đến thăm nơi đây sau hai cơn lũ lụt vừa qua.
Dù không đến được giáo xứ Thổ Hoàng, nhưng anh em cũng đã liên lạc được với cha quản xứ - J.B. Nguyễn Huy Tuấn, gửi một số đồ để giúp đỡ cho bà con nơi đó.
Anh em sinh viên rời Vạn Căn với những bước chân nặng nề, mỏi mệt, nhưng lòng như đầy háo hức. Háo hức ở đây không phải như ngày họ chuẩn bị lên thành phố để học, nhưng là để về nơi đô thị, nơi mà người ta được hưởng nhiều ưu đãi của thiên nhiên và xã hội, hầu kể cho họ biết những điều mà anh em sinh viên đã đến, đã thấy tận mắt, với hy vọng là để khơi thêm nhiều tấm lòng biết quảng đại sẻ chia.
Cầu Chúa ban sức mạnh tình yêu cho các bạn sinh viên, để trong mọi hoàn cảnh, các bạn biết làm bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu mà Chúa Giêsu đã ném xuống trần gian.