Có lẽ, tất cả chúng ta đều biết câu nói nổi tiếng: “Tình bạn là bệ phóng cao cả lên tình yêu”.
Chẳng ai lại nghi ngờ sự thật đó! Tình bạn là một vườn ươm lý tưởng cho tình yêu, nhờ đó, những con tim lên men si mê một cách từ từ, và chúng chỉ kết ước với nhau khi người bạn của mình phơi mở một giá trị khải ái thực sự.
Tình bạn chẳng vội gì, vì vậy nó không vấp phải hấp tấp sai phạm.
Tình bạn luôn bình thản sáng suốt lựa chọn tình yêu bởi lẽ nó sung túc khả năng lựa chọn: vượt ranh giới để trở thành tình yêu, hay cố thủ ranh giới để giữ gìn tình bạn.
Tình bạn luôn giữ vẻ cao thượng cho tình yêu, bởi nó không mở màn bằng con mắt của lòng ái dục.
Tình bạn luôn neo giữ giữa lòng tình yêu một công ước đảm bảo cho nghị lực tình thương và lòng chung thủy, bởi lẽ tình bạn không dễ bội bạc hay thay lòng đổi dạ.
Tình bạn là mảnh đất lý tưởng cho tình yêu đến vậy, cớ sao chúng ta lại phải bận lòng, sao không để cho mọi tình bạn mặc sức đổ vào dòng xoáy của tình yêu để cho cuộc đời hân hoan hạnh phúc? Điều đó đã không xảy ra là bởi, tình bạn thì nhiều mà tình yêu chỉ có một. Tình yêu là thứ vàng ròng tinh chắt từ mỏ quặng tình bạn hay những giao lưu xã hội.
Tình yêu chỉ cao quý khi nó bắt nguồn từ một tình bạn trong sáng, ở đó, bạn trai – bạn gái khởi đầu sống thân ái với nhau bằng giá trị con người nhân loại nói chung, chứ không phải bằng ánh mắt khu trú của giới tính. Như vậy, tình bạn khởi sự lớn hơn tình yêu, bởi nó là tình đời, là mối tình của con người toàn thể. Nhưng khi mà tình bạn hóa thân thành tình yêu, thì không phải là tình đời đnag tự bó hẹp mình lại, mà ngược lại nó đang cất cánh để nâng toàn bộ tình đời lên đỉnh tháp ngà chót vót tận cùng. Như vậy, hiển nhiên rằng, người không có tình bạn cao đẹp, hay nói rộng hơn là tình đời cao cả sẽ chẳng có nổi một tìh yêu sâu sắc cao quý.
Trong cuộc đời, chúng ta đã chứng minh đầy rẫy kiểu mẫu anh chàng nào đó lúc nào cũng nhìn phụ nữ bằng con mắt khát dục, chẳng phân biệt quan hệ, tuổi tác, vợ đồng nghiệp hay vợ bạn, anh ta luôn mồm khoe khả năng chung chạ của mình với cô nọ cô kia, nhưng chẳng lấy một lần khoe rằng mình đã yêu ai, anh ta là người phá bỏ mọi ranh giới đập chắn xã hội với mong muốn dồn tụ tất cả để khơi thông mương rãnh dục vọng bản năng của mình. Và rút cục, những chàng trai như vậy, thường bị đồng nghiệp hay bạn bè cấm cửa vợ con họ rằng: “Nếu thằng cha “con dê” ấy đến, không có anh ở nhà, thì không được mở cửa”.
Tình bạn khác giới, nới rộng hơn là tình đời giữa nam giới và nữ giới cần được ươm giống trên những mảnh đất trong sáng thuần khiết nhất định. Đó là sự chuẩn bị cho cuộc đính ước cao đẹp giữa người nam và người nữ, và đó cũng là nền văn hóa sửa soạn “cầu hôn” lớn nhất của mọi xã hội cũng như nhân loại. Chúng ta hãy cùng nhớ lại rằng Nam – Nữ là hai thành tố tiên quyết căn bản của mọi đời sống cũng như mọi nền văn hóa. Ở châu Á, xưa kia để giữ gìn tính biệt lập trong sáng của giới tính, người ta đã đề ra nguyên tắc “nam nữ thụ thụ bất thân” (nam nữ nhất nhất không gần nhau). Còn ở châu Âu, người ta phân riêng ra trường nam và trường nữ. Những điều cổ hủ ấy đã qua rồi, nhưng như thế, không có nghĩa là ngày nay con người không còn cần đến văn hóa của quan hệ giới tính. Chẳng cần suy xét lâu chúng ta cũng thấy cho dù ở những nơi phá rào nhất người ta vẫn phân ra “chung cư việc riêng” của mỗi phe. Và cụ thể hơn, hiện nay ở một số nước văn minh, người ta vẫn đang tiếp tục hoàn bị những điều luật nhằm kết tội lối sống quấy rối tình dục nhằm bảo vệ đời sống tự do của mọi người, đặc biệt là của các quý bà, quý cô. Nếu chịu khó để ý một chút, dù ở ngoài đời sống hay trên màn ảnh, bạn sẽ thấy chiếc ghế sôfa dài trong phòng khách của người phương Tây chỉ dành cho vợ chồng chủ nhà, nếu bà chủ đã ngồi ở đó thì một người khách dù có thân mật đến đâu cũng không được ngồi kề. Anh ta phải ngồi chiếc ghế khác.
Đó là những bằng cứ chứng tỏ con người không muốn lúc nào cũng phải sống trong xã hội nồng đậm sự vấy đục trong không khí. Không có ở đâu, mà tòa thị chính, công đường hay trường học lại nhỏ bé hơn nhà thổ. Con người không muốn chỉ khu trú mọi khao khát của mình vào “mảnh chiếu” tình dục, nếu có thì phải là khao khát ái tình theo cách ý vị sâu lắng và nhân vị hơn, con người phải sửa soạn những mảnh đất cũng như hạt giống lành mạnh sinh tồn cho nó.
Theo thứ tự thời gian, tình yêu đến sau tình đời. Một hài nhi lớn lên, trước hết cần một tình yêu mẫu tử ngọt ngào mẫu mực, một tình đời mênh mông, sau đó là một đời sống khả ái của xã hội lành mạnh để sửa soạn cho thiếu nhi một trái tim cao thượng trước ngưỡng cửa tình yêu. Rồi, khi người ta yêu, người ta vẫn phải mang ý thức về các bổn phận khác như bố-mẹ, đồng nghiệp, và xã hội…. và tất cả mọi “kênh” đều phải được thực thi một cách riêng rẽ vẹn toàn – con người lý tưởng là cá thể sống có thể truyền – nhập những “kênh đời” một cách mạch lạc và sáng sủa. Một cá nhân lầm lẫn những “kênh đời” hoặc cố tình nhập nhoè để tháu cáy một cá nhân chập “vi mạch” sống hay “hỏng hóc” tâm hồn.
Nhân đề tài này, chúng ta cùng ôn lại câu chuyện về Lưu Bị – một ông vua nhà Hán : “Một ngày, Lưu Bị ra lệnh cấm nấu rượu, phạt người bán và người mua rượu. Sau đó, sợ lệnh của mình còn nhẹ quá, ông ra lệnh bắt phạt cả những ai trong nhà có chứa đồ dùng nấu rượu. Lệnh của Lưu Bị hà khắc quá, nhưng không ai dám can. Một hôm, nhân lúc Lưu Bị bước lên lầu, một vị quan đi sau, chỉ vào hai người hầu – một trai một gái đứng trực ở cầu thang quát “Bắt ngay hai đứa kia lại cho ta”. Lưu Bị giật mình quay lại hỏi: “Cớ sao ông ra lệnh bắt chúng?” Vị quan tâu: “Thưa đức vua, vì tôi thấy chúng thủ sẵn trong người đồ nghề gian dâm”. Lưu Bị phì cười, và bãi lệnh phạt tội những ai có đồ nghề nấu rượu.
Cũng vậy, giống cặp trai gái trên, chúng ta nam cũng như nữ ai ai cũng mang trong mình “đồ nghề hành lạc” hay gọi cách khác là “dụng cụ ái ân” nhưng con người không thể đem sử dụng “đồ nghề” của mình một cách tràn lan bừa phứa, bởi đời sống của con người không chỉ là sự chứng minh cho cơn thèm khát của thân xác mà còn là lời biện chính mãnh liệt cho khao khát cao cả của tâm hồn. Con người hoạch định cả đường biên cũng như nội dung sống rành rẽ mạch lạc cho cuộc đời, đó cũng là đức sống của tâm hồn – nó không muốn để cho cái nọ đánh thó cái kia, cái này trục lợi cái khác, và rồi nuốt chửng lẫn nhau trong “nô lệ”.
Viết đến đây, tôi nhớ lại bộ phim “Tự do” của Nam Phi. Trong phim có hai vợ chồng thuộc đội biệt động, mua một căn nhà cạnh nhà tù để đào một đường hầm xuyên qua tù, giải thoát cho những đồng đội của họ. Tổ chức cử một anh chàng râu quai nón đầy chất đàn ông đến nhà đôi uyên ương để đào đường hầm đó. Mỗi ngày, chị vợ có nhiệm vụ chui xuống đường hầm mang thức ăn cho anh chàng đào hầm và mang số đất anh ta đào được lên, còn anh chồng có nhiệm vụ chở những bao đất đổ ở ngoại vi.
Thế rồi, một ngày hai ngày, một tháng hai tháng, một mùa hai mùa… kế một năm, anh chàng râu nón trở thành một người “vạn cổ” phát điên lên vì sống trong đường hầm quá lâu, không biết thời gian, không biết đến ánh sáng và bóng tối, đời sống của anh chỉ quanh quẩn cùng ngọn đèn và chiếc xẻng… Rồi cô bạn – vợ đồng đội đi xuống như tiên sa mang theo tất cả hương vị day dứt của đời sống và mùi son phấn thị thành như một bằng chứng sống rằng phía trên kia có một đường phố với những người đàn bà mặc váy đang tồn tại – đang có – và đang sống thực…
Chuyện gì đã xảy ra? Anh ta trăn trở vật vã giữa hai bàn tay nắm chặt của mình… cặp mắt đảo quay cuồng vọng… cô bạn đồng đội không chốn chạy, nàng ngồi lại chuyện trò giúp anh vượt qua khát vọng bằng nghị lực của chính mình. Và sự việc xảy ra đã kết thúc bằng cách không xảy ra.
Hẳn các bạn cũng thừa biết cái “không xảy ra” ấy là một biến cố xảy ra đầy khốc liệt trong tâm hồn. Nhưng biết làm sao được, chỉ có văn hóa tâm hồn mới giúp chúng ta vượt qua thân xác để kiến tạo cuộc sống toàn vẹn, toàn mỹ và cao thượng của mình. Đó mới chính là đức Yêu toàn thể của tâm hồn.
Điều đó chả lẽ sai?