James Oº°‘¨ Quản trị viên ¨‘°ºO
Ngày tham gia : 27/07/2010 Tổng số bài gửi : 238 Được cảm ơn : 0 Money ($) : 5857 Tuổi : 34 Địa chỉ : 49K-TIN, ĐH VINH.
| Tiêu đề: Sứ điệp Mùa Chay 2011 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI Sat Mar 12, 2011 9:30 am | |
| VATICAN - Trong Sứ điệp nhân dịp Mùa Chay 2001, bắt đầu từ Thứ tư Lễ tro 9-3, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi các tín hữu tái khám phá và sống trọn ý nghĩa bí tích Rửa tội, dựa theo hành trình phụng vụ Mùa Chay, và vượt thắng lòng ích kỷ.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha có chủ đề "Cùng với Chúa Kitô anh chị em đã được chôn táng trong phép Rửa Tội, và anh chị em cũng được sống lại với Người" (x. Cl 2,12), và đã được Đức Hồng y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), và các vị phụ tá, giới thiệu trong cuộc họp báo sáng hôm ngày 22-2-2011, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.
Sau đây là nguyên văn Sứ Điệp của Đức Thánh Cha. --------------------------------------------------------------------------------
Sứ điệp Mùa Chay 2011 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI "Cùng với Chúa Kitô anh chị em đã được chôn táng trong phép Rửa Tội, và anh chị em cũng được sống lại với Người" (x. Cl 2,12).
Anh chị em thân mến,
Đối với Giáo Hội, Mùa Chay, - dẫn chúng ta đến việc cử hành Lễ Phục Sinh, - là một mùa phụng vụ rất quý báu và quan trọng, vì thế nhân mùa này, tôi vui mừng gửi Sứ Điệp để Mùa Chay này được sống với tất cả lòng nhiệt thành cần thiết. Trong khi chờ đợi cuộc gặp gỡ chung kết với vị Hôn Phu của mình trong Lễ Vượt Qua vĩnh cửu, Cộng đồng Giáo Hội chuyên cần cầu nguyện và thực hành bác ái, tăng cường hành trình thanh tẩy tinh thần, để kín múc sự sống mới trong Chúa Kitô một cách dồi dào hơn nơi Mầu Nhiệm cứu chuộc (x. Kinh tiền tụng I Mùa Chay).
1. Chính sự sống mới ấy đã được thông truyền cho chúng ta trong ngày chúng ta chịu Phép Rửa, khi "được tham dự vào cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô", chúng ta bắt đầu một "cuộc phiêu lưu vui tươi và đầy phấn khởi của người môn đệ" (Bài giảng lễ Chúa chịu Phép Rửa 10-1-2010). Thánh Phaolô, qua các thư của ngài, nhiều lần nhấn mạnh về sự hiệp thông đặc biệt với Con Thiên Chúa, được thực hiện trong sự thanh tẩy ấy. Sự kiện phần lớn chúng ta chịu Phép Rửa tội khi còn nhỏ, cho chúng ta thấy rõ đây là một hồng ân của Thiên Chúa: tự sức riêng của mình, không ai đáng được sự sống đời đời. Lòng từ bi Chúa xóa bỏ tội lỗi và cho chúng ta được sống "những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô" (Pl 2,5) trong cuộc sống của chúng ta, lòng từ bi ấy được thông ban cho con người một cách nhưng không.
Thánh Tông Đồ dân ngoại, trong thư gửi tín hữu Philiphê, nêu rõ ý nghĩa sự biến đổi được thực hiện nhờ tham dự vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, và cho thấy rõ mục tiêu cần theo đuổi, đó là để "tôi có thể biết Ngài, với quyền năng sự sống lại của Ngài, sự hiệp thông với những đau khổ của Ngài, trở nên đồng hình dạng với cái chết của Ngài, với hy vọng được sống lại từ cõi chết" (Pl 3,10-11). Vì thế, Bí tích Rửa Tội không phải là một nghi thức quá khứ, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, ảnh hưởng trên toàn thể cuộc sống của người chịu Phép Rửa, mang lại cho họ sự sống thần linh và kêu gọi họ chân thành hoán cải, một cuộc hoán cải được ân thánh khởi sự và nâng đỡ, đưa họ đạt tới tầm mức trưởng thành của Chúa Kitô. Có một mối liên hệ đặc biệt giữa Bí tích Rửa Tội và Mùa Chay như một thời điểm thuận tiện để cảm nghiệm ơn thánh cứu độ. Các Nghị phụ Công đồng chung Vatican II đã nhắc nhở tất cả các vị Mục Tử của Giáo Hội hãy sử dụng "nhiều hơn các yếu tố Phép Rửa thuộc phụng vụ Mùa Chay" (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 109). Thực vậy, từ đầu Giáo Hội vẫn luôn liên kết Lễ Vọng Phục Sinh với việc cử hành Phép Rửa Tội: trong Bí Tích này có thể hiện mầu nhiệm cao cả qua đó con người chết cho tội lỗi, được tham dự vào đời sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh và lãnh nhận cùng Thánh Linh của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết (x. Rm 8,11). Hồng ân nhưng không này phải luôn được khơi dậy nơi mỗi người chúng ta và Mùa Chay mang lại cho chúng ta một hành trình tương tự như thời gian dự tòng. Đối với các tín hữu của Giáo Hội thời xưa cũng như các dự tòng ngày nay, hành trình này là một trường học tối quan trọng về đức tin và đời sống Kitô; quả thực họ sống Bí tích Rửa Tội như một hành động quyết định đối với toàn thể cuộc sống của họ.
2. Để nghiêm túc bắt đầu hành trình tiến về Lễ Phục Sinh và chuẩn bị cử hành sự sống lại của Chúa - là lễ vui mừng và trọng đại nhất trong toàn năm phụng vụ - thử hỏi có gì thích hợp hơn là để cho Lời Chúa dẫn dắt? Vì thế, qua những bài Phúc Âm các Chúa nhật Mùa Chay, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta đến một cuộc gặp gỡ đặc biệt nồng nhiệt với Chúa, bằng cách đưa chúng ta tiến qua các giai đoạn trong hành trình khai tâm Kitô giáo: đối với các dự tòng, hành trình ấy nhắm đến việc lãnh nhận bí tích tái sinh, và đối với những người đã chịu phép Rửa, là để họ đạt tới những bước tiến mới có tính chất quyết định trong hành trình theo Chúa Kitô và hiến thân trọn vẹn hơn".
- Chúa nhật thứ I trong hành trình Mùa Chay làm nổi bật thân phận phàm nhân chúng ta trên trái đất này. Cuộc chiến đấu hiển thắng chống lại những cám dỗ, khơi mào sứ vụ của Chúa Giêsu, là một lời mời gọi hãy ý thức sự mong manh dòn mỏng của mình để đón nhận Ơn Thánh giải thoát khỏi tội lỗi và đổ tràn sức mạnh mới trong Chúa Kitô, là đường, là sự thật và là sự sống (x. Sách Khai Tâm Kitô giáo cho người lớn, số 25). Đó là lời nhắc nhở quyết liệt rằng, theo gương Chúa Giêsu và trong sự hiệp nhất với Ngài, đức tin Kitô giáo cũng bao hàm một cuộc chiến đấu "chống lại những kẻ thống trị trần thế đen tối này" (Ep 6,12), trong đó ma quỷ đang hoạt động không mệt mỏi, kể cả ngày nay, trong việc cám dỗ người muốn đến gần Chúa: Chúa Kitô đã chiến thắng cám dỗ để mang lại hy vọng cho tâm hồn chúng ta và hướng dẫn chúng ta chiến thắng những quyến rũ của sự ác.
- Tin Mừng về cuộc Hiển Dung của Chúa đặt trước mắt chúng ta vinh quang của Chúa Kitô, báo trước cuộc phục sinh và loan báo sự thần hóa con người. Cộng đoàn Kitô ý thức mình được dẫn lên núi cao (Mt 17,1) như các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, để tái đón nhận, trong Chúa Kitô, trong tư cách là con cái trong Chúa Con, món quà Ân Sủng của Chúa Kitô: "Này là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Hãy nghe lời Người" (câu 5). Đó là một lời mời gọi hãy tránh xa sự ồn ào của cuộc sống thường nhật để ngụp lặn trong sự hiện diện của Thiên Chúa: Ngài muốn thông truyền cho chúng ta hằng ngày một Lời thấu vào tận thẳm sâu tinh thần chúng ta, trong đó ta phân biệt thiện và ác (x. Dt 4,12) và củng cố ý chí theo Chúa.
- Câu Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria: "Xin cho tôi uống nước" (Ga 4,7), được đề nghị trong phụng vụ Chúa nhật thứ ba (Mùa Chay), diễn tả lòng hăng say của Thiên Chúa đối với mỗi người và muốn khơi lên trong tâm hồn chúng ta ước muốn hồng ân "nước vọt lên cho sự sống đời đời" (câu 14): đó là hồng ân Chúa Thánh Linh, Đấng biến các tín hữu Kitô thành "những người tôn thờ chân thực" có khả năng cầu khẩn Chúa Cha "trong tinh thần và chân lý" (câu 23). Chỉ nước ấy mới có thể thỏa mãn ước muốn của chúng ta mong được chân, thiện, mỹ! Chỉ nước ấy, do Chúa Con ban cho chúng ta, mới tưới gội được những sa mạc của tâm hồn bất an và không được mãn nguyện, "cho đến khi được an nghỉ trong Thiên Chúa", theo câu nói thời danh của thánh Augustinô.
- Chúa nhật người mù bẩm sinh trình bày Chúa Kitô như ánh sáng thế gian. Phúc âm gọi hỏi mỗi người chúng ta: "Phần anh, anh có tin nơi Con Người không?", "Lạy Chúa, con tin!" (Ga 9,35.38), người mù bẩm sinh vui mừng quả quyết như thế, anh nói nhân danh mọi tín hữu. Phép lạ chữa lành người mù là dấu hiệu chứng tỏ rằng, cùng với thị giác, Chúa Kitô cũng muốn mở cái nhìn nội tâm chúng ta, để đức tin của chúng ta ngày càng sâu xa hơn và chúng ta có thể nhận thấy nơi Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Chúa soi sáng mọi tối tăm trong cuộc sống và làm cho con người sống "như người con của ánh sáng".
- Trong Chúa nhật thứ V, khi nghe đọc trình thuật về sự sống lại của Ông Lazzaro, chúng ta được đặt trước mầu nhiệm cuối cùng của cuộc sống chúng ta: "Thầy là sự sống lại và là sự sống.. con có tin điều này không?" (Ga 11,25-26). Đối với cộng đoàn Kitô, đây là lúc cùng với Marta, chân thành tái đặt trọn niềm hy vọng của chúng ta nơi Đức Giêsu thành Nazareth: "Vâng, lạy Chúa, con tin Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian" (câu 27). Sự hiệp thông với Chúa Kitô trong cuộc sống này chuẩn bị chúng ta vượt lên trên ranh giới của sự chết, để sống vô tận trong Chúa. Niềm tin nơi sự sống lại của người đã qua đời và niềm hy vọng cuộc sống vĩnh cửu mở rộng tâm trí chúng ta về ý nghĩa tối hậu của đời mình: Thiên Chúa đã tạo dựng con người để họ được sự sống lại và sự sống, và chân lý này mang lại chiều kích chân thực và chung kết cho lịch sử loài người, cho cuộc sống bản thân và xã hội của họ, cho nền văn hóa, chính trị và kinh tế. Nếu thiếu ánh sáng đức tin, thì toàn thể vũ trụ rốt cục bị khép kín trong một ngôi mộ không có tương lai, cũng chẳng có hy vọng.
- Hành trình Mùa Chay được kết thúc với Tam Nhật Vượt Qua, đặc biệt là trong đêm trọng thể Vọng Phục Sinh: khi lập lại những lời hứa trong Phép Rửa Tội, chúng ta tái khẳng định rằng Đức Kitô là Chúa tể đời sống chúng ta, đời sống mà Thiên Chúa thông ban cho chúng ta khi chúng ta được "tái sinh bởi nước và Thánh Linh", và chúng ta tái khẳng định quyết tâm vững vàng đáp ứng hoạt động của Ơn Thánh để làm môn đệ của Chúa.
3. "Sự dìm mình của chúng ta trong cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô qua bí tích rửa tội, thúc đẩy chúng ta mỗi ngày giải thoát con tim của mình khỏi gánh nặng của những sự vật chất, khỏi mối liên hệ ích kỷ với trần thế này, liên hệ ấy làm cho chúng ta trở nên nghèo nàn và ngăn cản không để chúng ta sẵn sàng và cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa tự biểu lộ như Tình Thương (x. 1Ga 4,7-10). Thập giá của Đức Kitô, "ngôn ngữ của Thập Giá" biểu lộ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,18), Đấng hiến thân để nâng cao con người và mang lại cho họ ơn cứu độ: đó là hình thức quyết liệt nhất của tình thương (x. Thông điệp Thiên Chúa là Tình Thương, 12). Qua những việc thực hành truyền thống như ăn chay, làm phúc, cầu nguyện, là những biểu hiệu của sự dấn thân hoán cải, Mùa Chay dạy chúng ta sống tình thương của Chúa Kitô một cách quyết liệt hơn. Chay tịnh, có thể có những động lực khác nhau, đối với Kitô hữu, việc làm này có một ý nghĩa sâu xa về tôn giáo: khi làm cho bàn ăn của chúng ta nghèo hơn, chúng ta học cách vượt thắng ích kỷ để sống theo tiêu chuẩn ban tặng và yêu thương; khi chịu đựng sự thiếu thốn một cái gì đó, - không phải chỉ những gì là dư thừa mà thôi - chúng ta học cách xoay cái nhìn ra khỏi cái "tôi" của mình, để khám phá người ở cạnh chúng ta và nhận thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của bao nhiêu anh chị em chúng ta. Đối với Kitô hữu, chay tịnh không hề có chiều kích duy nội tâm nào cả, nhưng cởi mở hơn đối với Thiên Chúa và những nhu cầu của con người, và biến tình yêu đối với Thiên Chúa cũng trở thành tình yêu đối với tha nhân (x. Mc 12,31).
Trong cuộc hành trình, chúng ta cũng đứng trước cám dỗ sở hữu, ham hố tiền bạc, làm thương tổn quyền tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Sự ham hố của cải tạo nên bạo lực, lạm quyền và chết chóc; chính vì thế, Giáo Hội, đặc biệt là trong Mùa Chay, kêu gọi làm phúc bố thí, nghĩa là chia sẻ. Trái lại sự tôn thờ của cải không những làm cho ta xa lìa tha nhân, nhưng còn làm cho con người trở nên trống rỗng, bất hạnh, bị lừa đảo, bị ảo tưởng mà không thực hiện được điều của cải hứa hẹn, vì con người đặt những sự vật chất vào chỗ của Thiên Chúa là nguồn mạch duy nhất của cuộc sống. Làm sao hiểu được lòng nhân từ hiền phụ của Thiên Chúa nếu tâm hồn đầy tự mãn và những dự phóng riêng của mình, qua đó ta tưởng rằng mình có thể đảm bảo tương lai cho mình? Cám dỗ hệ tại nghĩ như người giàu có trong dụ ngôn: "Hồn tôi hỡi, ngươi có nhiều của cải để dùng trong nhiều năm...". Chúng ta biết phán đoán của Chúa: "Hỡi kẻ điên rồ, chính đêm nay mạng sống của ngươi sẽ bị đòi lại.." (Lc 12,19-20). Việc làm phúc là một lời nhắc nhở về quyền tối thượng của Thiên Chúa và sự quan tâm đối với tha nhân, để tái khám phá người Cha nhân lành của chúng ta và đón nhận lòng từ bi của Chúa.
Trong trọn Mùa Chay, Giáo Hội trao tặng chúng ta Lời Chúa một cách đặc biệt dồi dào. Khi suy niệm và nhập tâm để sống Lời Chúa hằng ngày, chúng ta học một hình thức quý giá và không thể thay thế được trong việc cầu nguyện, vì sự lắng nghe Lời Chúa, Đấng tiếp tục nói với tâm hồn chúng ta, nuôi dưỡng hành trình đức tin mà chúng ta đã bắt đầu trong ngày chịu Phép Rửa Tội. Kinh nguyện cũng giúp chúng ta có được một ý niệm mới về thời gian: thực vậy, nếu không có viễn tượng vĩnh cửu và siêu việt, thì thời gian chỉ là nhịp độ làm cho những bước tiến của chúng ta nối tiếp nhau hướng về một chân trời không có tương lai. Trái lại, khi cầu nguyện, chúng ta dành thời giờ cho Thiên Chúa, để nhận thấy rằng "những lời của Ngài không qua đi" (x. Mc 13,31, để bước vào trong sự hiệp thông thân mật với Ngài "Đấng không ai có thể tước khỏi chúng ta" (x. 16,22) và mở cho chúng ta niềm hy vọng không đánh lừa, và sự sống đời đời.
Tóm lại, hành trình Mùa Chay, trong đó chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thánh Giá, chính là "trở nên đồng hình với cái chết của Chúa Kitô" (Ph 3,10), để thực hiện sự hoán cải sâu xa trong đời sống chúng ta, để cho hoạt động của Chúa Thánh Linh tác động, như thánh Phaolô trên đường Damasco; quyết liệt qui hướng cuộc sống chúng ta theo thánh ý Chúa; giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ, vượt thắng bản năng muốn thống trị người khác và cởi mở đối với tình thương của Chúa Kitô. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để nhìn nhận những yếu đuối của chúng ta, chân thành kiểm điểm cuộc sống để đón nhận ơn thánh canh tân của Bí tích Thống Hối và quyết liệt tiến về cùng Chúa Kitô.
Anh chị em thân mến, qua cuộc gặp gỡ bản thân với Đấng Cứu Chuộc chúng ta và qua chay tịnh, làm phúc, cầu nguyện, hành trình hoán cải tiến về Lễ Phục Sinh dẫn đưa chúng ta đến chỗ tái khám phá Phép Rửa chúng ta đã nhận lãnh. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy tái đón nhận Ơn Thánh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong lúc này, để Ơn Thánh soi sáng và hướng dẫn mọi hành động của chúng ta. Chúng ta được mời gọi mỗi ngày sống ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội và những gì Bí tích này thực hiện, khi bước theo Chúa Kitô với lòng quảng đại và chân thành hơn. Trong hành trình này, chúng ta hãy phó thác bản thân cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã sinh Ngôi Lời Thiên Chúa trong đức tin và trong xác thể, để giống như Mẹ, chúng ta được dìm mình trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Con của Mẹ, và được sống đời đời.
Vatican ngày 4 tháng 11 năm 2010
Bênêđictô XVI, Giáo Hoàng Nguồn: Giaophanvinh.net |
|