Có một lần
Tôi đã rất giận mình khi làm điều đó…
Không còn bé bỏng gì để gọi là nông nổi.
Không phải hời hợt để nhận mình là vô tâm.
Không! Không có lí do nào để có thể giải thích hay ngụy biện cho một phút không làm chủ được mình.
Khi tấm màng - ranh giới mỏng manh giữa cái tốt và cái xấu bị khuất lấp, nhỏ đi sai đường…Tôi đã tự trách mình ghê lắm!
Đó là một lần đi tham quan. Dù đã chuẩn bị rất nhiều quà – sự quan tâm cho những người thân yêu, nhưng khi chiếc xe đổ xịt trước nhà hàng để ăn trưa, nhỏ vẫn để mắt vào những món hàng địa phương bày bán trước cửa ra vào.
Khách đông, cứ gọi là lia lịa trong việc bán và mua quà.
Đứng đợi mua quà, dường như không có thì giờ để cô chủ trả lời đến món hàng trên tay mình. Rút khỏi đám đông…ma xui quỷ khiến thế nào Tôi bỏ tọt gói bánh vào cái bì to đã mua lỉnh kỉnh đặc sản mà không có ý định gởi tiền.
15 000 – nhỏ biết được qua cái giá in trên bao, và thấy nó ì nặng…
Tai Tôi ù đi vì những ý nghĩ hổ thẹn nhảy xổ ra từ lương tâm nhỏ…đến vô cảm và thấy…sợ mình!
Xe chạy. Mà hồn Tôi như ở đâu đâu. Sự giả dối và hai từ nặng nề: ăn cắp; có khác gì nhau đâu! Tôi thấy ngực mình nhói!
…Vậy mà nó đã đột nhập vào từ điển sống của mình - một cậu bé con soi mình trong nhật kí và luôn ý thức việc nuôi dưỡng tâm hồn…
“Mình sai rồi!” 3 từ đó cứ riết lấy nhỏ, ám ảnh…
Không còn cơ hội để Tôi nhận lỗi với cô bán hàng không quen biết đó nữa rồi, một nỗi xấu hổ xâm chiếm, tràn ngập, có thể vậy sao?!
Tha thứ!
Đó là một động từ nên dành cả cho mình, đôi lúc…
Đơn giản Tôi hiểu: không phải giá trị cuộc sống nằm ở việc căm ghét bản thân từ một sai lầm hay tẩy chay chính mình bằng sự dằn vặt, xỉ vả - dù điều đó đáng như thế lắm!
Có một cách khác, nhẹ nhàng hơn.
Đó là một sớm mai nắng lên trong vắt, nhỏ tự nói với lòng mình chẳng bao giờ thế nữa. Lần đầu cũng là lần cuối, và DUY NHẤT.
Đường đời thênh thang, nhưng nhỏ biết mình không lệch bước nữa, từ “độ ấy".
Huế. 10/2009
Nguyễn Ái