- Hồi còn đi học, dù bạn rất ham chơi, lười học và chỉ học theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” nhưng khi đã có ý định đi làm nghiêm túc, đừng bao giờ lặp lại con đường đó.
Không một nhà tuyển dụng nào hài lòng với những ứng viên hời hợt, không chịu nghiên cứu trước công việc. Vì thế, đừng bao giờ đưa những nguyên tắc chỉ mình mình biết ra "khoe khoang" với nhà tuyển dụng cũng như ứng dụng nó vào công việc.
Sau đây là những điều bạn nên tránh một khi đã có ý định đi làm nghiêm túc, đặc biệt là khi đối diện với nhà tuyển dụng:
- Nước đến chân mới nhảy
Có thể hồi còn đi học, bạn mắc bệnh lười hoặc nhiều khi chủ quan nên thường xuyên rơi vào tình trạng ngày mai thi thì tối nay mới học. Bạn sẽ viết ra giấy những công thức, những lưu ý nhỏ để khi làm bài tiện theo dõi. Thế nhưng, điều đó không thể ứng dụng khi bạn đi xin việc, đặc biệt là bước vào một cuộc phỏng vấn. Nên nhớ rằng, nếu có quá ít thời gian để tìm hiểu về công ty, về những lĩnh vực hoạt động của họ cũng như những vấn đề mà công ty đang phải đối mặt, thì tốt nhất là đừng nên ứng tuyển nữa.
Thực tế, bạn nên chuẩn bị kỹ càng, tìm hiểu thật nhiều thông tin trước khi bước vào vòng phỏng vấn, hệt như khi bạn chuẩn bị bước vào một kỳ thi quan trọng chứ không phải chỉ là những bài kiểm tra nhỏ. Hãy dành thời gian nghiên cứu kỹ về công ty và những yêu cầu của nhà tuyển dụng để xem mình có phù hợp hay không và phù hợp ở những phương diện nào. Tham khảo ý kiến bạn bè hoặc những thành viên trong gia đình xem liệu người ta có thể đặt ra những câu hỏi gì và chuẩn bị sẵn câu trả lời.
Bởi không một nhà tuyển dụng nào gật đầu trước những ứng viên không hiểu gì về hoạt động của công ty, thậm chí lúng túng khi được hỏi về những thông tin cơ bản nhất được đăng tải trên website.
- Không kiểm tra kỹ hồ sơ
Hồi còn ở trường, có thể, bạn chỉ cần dành một chút thời gian để suy nghĩ trước khi làm bài. Khi đã làm xong, bạn chỉ xem lướt qua một lượt thậm chí nếu không còn thời gian, bạn sẽ nộp bài ngay mà không cần xem lại.
Thế nhưng, khi đi xin việc, bạn không thể chỉ viết CV một lần rồi đem nộp cho bất kỳ nhà tuyển dụng nào vào bất kỳ thời gian nào. Nên nhớ, mỗi nhà tuyển dụng lại có những yêu cầu riêng về năng lực, trình độ, kinh nghiệm việc làm. Mỗi thời kỳ, bạn lại có thêm kinh nghiệm, có thể bổ sung cho quá trình làm việc của bạn thêm dày dặn. Vì thế, trước khi gửi hồ sơ, bạn nhất định phải xem lại tất cả các giấy tờ một lần cho chu đáo. Đặc biệt là CV, hãy bổ sung những thông tin cần thiết, phù hợp với yêu cầu trước khi gửi đến cho nhà tuyển dụng.
Hơn nữa, bạn nên chắc chắn rằng hồ sơ của bạn không có chút sai sót nào về chính tả bởi đa phần các nhà tuyển dụng đều dị ứng với các lỗi đánh máy không đáng có. Chỉ một hai lỗi thôi, nhiều khi cũng đủ để hồ sơ của bạn bị loại dù năg lực của bạn có phù hợp đi chăng nữa. Tốt nhất là sau khi hoàn thiện hồ sơ, hãy nhờ một người mà bạn tin tưởng rà soát lại.
- Lơ là khi phỏng vấn
Khi đi học, bạn có thể ngồi trong lớp trêu chọc bạn bè, nói chuyện riêng trong giờ mà không bị giáo viên phát hiện. Dù không bị nhắc nhở nhưng đó cũng là một hành vi thiếu tôn trọng giáo viên.
Còn lúc đi xin việc, nhất là bước vào phỏng vấn, đối diện với nhà tuyển dụng, nếu bạn thiếu nhiệt tình khiến nhà tuyển dụng thấy bạn không mấy quan tâm đến công ty thì đó là điều hoàn toàn bất lợi. Vì thế, đối diện với nhà tuyển dụng, tốt nhất, bạn phải hết sức tập trung. Đừng có vừa trả lời phỏng vấn vừa nhấp nha nhấp nhổm, liếc ngang liếc dọc hoặc cười đùa, gọi điện thoại, nhắn tin…
Thậm chí, bạn nên tham khảo thêm thông tin từ những người quen biết, từ các cựu nhân viên ở đây để có câu trả lời cho phù hợp. Hãy dành thời gian kết nối với mọi người và họ sẽ giúp bạn trong việc tra cứu thông tin, tư vấn về câu hỏi và câu trả lời của nhà tuyển dụng.
Trích Dẫn : Anna