Lễ giáo học đường…
Cách đây ít ngày tôi lại xem được video clip với chủ đề :“ Nữ sinh đánh nhau hội đồng” của một nhóm học sinh ở thành phố Cẩm Phả - Quảng Ninh trên tờ tinmoi.com. Sau khi xem xong, trong đầu tôi chợt hiện lên vài suy nghĩ và giờ đây tôi muốn thông qua những dòng chữ này để nói lên cách nghĩ của mình với vụ việc vừa rồi.
Ai trong chúng ta cũng biết rằng, giáo dục tức là trồng người. Nhưng liệu giáo dục đã đảm nhận được trách nhiệm đó hay chưa? Và những ai sẽ cùng với ngành giáo dục để thực hiện nhiệm vụ cao cả đó.
Là học sinh, chắc rằng ai ai cũng thuộc lòng câu khẩu hiệu “ Tiên học lễ, hậu học văn”. Và dường như lớp học nào cũng treo câu khẩu hiệu này ở nơi dễ nhìn, dễ đọc nhất để nhắc nhở cho cả học sinh lẫn giáo viên biết rằng nhiệm vụ đầu tiên của công tác giáo dục là vun trồng, đào tạo học sinh thành người trước khi thành tài mà công việc trước hết là phải học lễ nghĩa. Nhưng giờ đây, khi xã hội, đất nước đang từng ngày “ thay da đổi thịt” và đang bước vào thời kỳ hội nhập thì vấn đề đạo đức trong học đường lại đang là một vấn đề lớn khiến chúng ta quan tâm.
Cách đây không lâu, tôi đã được xem các video clip về “bạo lực học đường” và mới đây vụ việc tương tự như thế lại xảy ra ở thành phố Cẩm Phả nhưng tính chất của nó thì có phần nghiêm trọng hơn. Như vây, vấn đề bạo lực học đường nó không chỉ là vấn đề của từng cá nhân, đơn vị cụ thể nữa mà nó đã thực sự trở thành trung tâm điểm của ngành giáo dục và của đông đảo các bậc phụ huynh.
Tôi thiết nghĩ, vụ việc trên xảy ra dù muốn hay không thì các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng làm sáng tỏ vấn đề và sớm đưa các đối tượng ra trước ánh sáng của pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, một câu hỏi lớn lại được đặt ra. Phải chẳng ngành giáo dục chỉ mới chú trọng đến vấn đề “ đào tạo” nhưng lại quên đi vế sau là “ giáo dục”? phải chăng môi trường giáo dục đầu tiên là Gia đình cũng đang từng ngày quên đi trách nhiệm của mình? rồi giao trách nhiệm đó lại cho nhà trường mà không một chút quan tâm, lo lắng.
Xã hội hôm nay đã đổi thay, các bạn trẻ đang được tiếp nhận một số lượng lớn thông tin và các nguồn văn hóa không lành mạnh từ Internet. Bên cạnh đó, cộng thêm với lối sống buông thả, thiếu trách nhiệm nên dường như một số bạn đã thực sự đánh mất mình. Còn đối với gia đình, nền tảng gia đình đang từng ngày bị xáo trộn, nền luân lý đang bị bóp méo. Hơn bao giờ hết, gia đình phải trở về với những nền tảng vốn có của mình. Gia đình phải là nơi thực sự để con cái chia sẽ và tâm sự với Cha Mẹ. Ở nơi đó, người Cha, người Mẹ phải là những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái về trí dục lẫn đức dục. Mái ấm gia đình phải thực sự là nơi con cái trở về sau những giờ học tập vất vả ở lớp và là nơi cả gia đình quây quần bên nhau sau một ngày lao động miệt mài.
Đối với nhà trường, phải chú trọng đến việc đào tạo kiến thức văn hóa lẫn nhân cách cho học sinh. Ngoài những giờ học căng thẳng, giáo viên chủ nhiệm phải thể hiện được mình là người Mẹ, người chị của các em, cùng chia sẽ với học sinh những khó khăn mà các em đang gặp phải. Có như thế, các em mới cảm nhận được “ mỗi ngày đến trường là một ngày vui” và có như thế, chúng ta mới mong có được những thế hệ học sinh trưởng thành cả về kiến thức lẫn nhân cách đồng thời chúng ta cũng phần nào hạn chế và đi đến đoạn tuyệt với vấn đề “bạo lực học đường”.
Với những chia sẽ rất đỗi tầm thường, kính mong quý bạn đọc đón nhận như một tấm chân tình của một người con mong muốn cho đất nước mình sớm sánh vai được với các cường quốc năm châu.
Áinguyễn